Lịch sử phát triển con người và Đá quý

TRANGSUCVN.COM 2014-06-08 668 lượt xem

Lịch sử phát triển con người và Đá quý

Các đá khác nhau được con người sử dụng từ thời xa xưa, đặc biệt là các  đá có độ cứng cao, rắn chắc và bền. Các mảnh đá silic sắc cạnh được tìm thấy tại những điểm khai quật nơi trú ngụ của người nguyên thuỷ thuộc thời kỳ đồ đá cũ (10 – 5 nghìn năm Trước Công Nguyên – TCN) đã chứng minh rằng, con người đã sớm biết dùng đá để làm công cụ lao động và vũ khí trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Những mảnh đá nhọn và cứng chính là vũ khí lợi hại để săn bắt thú và bảo vệ trước kẻ thù. Cùng với thời gian, ở  người nguyên thuỷ  bắt đầu xuất hiện sự cảm thụ cái đẹp. Cạnh những vũ khí bằng đá thuộc thời kỳ đồ đá cũ, người ta đã tìm thấy những vật trang sức làm từ các viên sỏi màu, các tinh thể đẹp và các vỏ sò. Tại những điểm sinh sống của người cổ đại ở nhiều nơi như  ấn Độ, Myanmar, Nam Ural,  người ta đã tìm thấy các dụng cụ lao động như dao, rìu, mũi tên,...được chế tạo từ các đá như ngọc bích, thạch anh, mã não, obsidian. Đến thời kỳ đồ đá mới (8 – 3 nghìn năm TCN) con người bắt đầu biết khai thác đá một cách hệ thống, các hố khai thác đá có thể có đường kính đến 1m, độ sâu đến 20m. Ngoài các đá cứng thuộc họ đá silic, người ta đã biết dùng các đá dai như nephrit, jadeit,...Kỹ thuật chế tạo vũ khí, dụng cụ sinh hoạt bằng đá vào thời kỳ đồ đá mới đã đạt trình độ cao, dụng cụ đã được dùng cát để mài nhẵn. Chắc hẳn đã có những con đường vận chuyển vũ khí làm từ đá, vì người ta tìm thấy những vũ khí chế tạo từ nephrit ở nhiều nước trong khi mỏ đá nephrit không phải là phổ biến. Cũng thời gian này, đá còn được dùng để chế tạo các đồ dùng phục vụ cho mục đích tôn giáo. ở nhiều nước có tập quán gắn đá quý với dấu hiệu thần linh, đá quý được chế tác thành các biểu tượng thần thánh, các vật trang trí trong nhà thờ. Các đá có màu sắc đẹp, các tinh thể có hình dáng cân đối bắt đầu được chú ý sử dụng để làm các đồ thờ cúng, các vật yểm trừ bệnh tật, đói nghèo, tai hoạ,… ý nghĩa văn hoá đó của đá được bảo tồn cho đến ngày nay.

Theo các nhà khảo cổ học và khoáng vật học thì emerald được sử dụng ở  Ai Cập từ 3000 năm TCN, ở ấn Độ từ 2000 năm TCN, saphir và ruby ở Sri Lanka – 600 năm TCN, kim cương ở ấn Độ – 1000 đến 500 năm TCN, biruza ở bán đảo Xinai – 3400 năm TCN. ở vùng núi Châu Phi, giữa Biển Hồ và sông Nin, từ 2000 năm TCN, emerald đã được khai thác trong các hầm lò mà sau này mang tên nữ hoàng Cleopat. Rất nhiều đồ trang sức, các tượng thần, các con dấu, các tác phẩm nghệ thuật làm từ lazurit, amazonit, granat, emerald, amethyst được tìm thấy trong các hầm mộ vua chúa Ai Cập cổ đại (2700 – 2500 năm TCN). Vào thời kỳ văn hoá Christo – Michen (2800 – 1100 năm TCN) ở Châu Âu, đá quý được dùng để trang trí vũ khí, dụng cụ đồ ăn. Một điều đáng chú ý là, ở các vùng khác nhau, người ta ưa chuộng các đá màu khác nhau, ví dụ, ở ấn Độ, đá màu đỏ được đánh giá cao nhất, ở Trung Đông – đá màu lam, ở Ai Cập – đá màu lục. Điều này có lẽ liên quan tới các mỏ đá được tìm thấy ở các khu vực trên: mỏ ruby ở ấn Độ, mỏ saphir ở Trung Đông, mỏ emerald ở Ai Cập. Một trong những đá quý cổ nhất là hổ phách được dùng từ 3000 năm TCN. Hổ phách được khai thác ở các vùng ven biển Bantich, được chế tác làm đồ trang sức, và làm bùa hộ mệnh ở các nước Châu Âu. Sau này, vào thế kỷ VIII – X, hổ phách còn được dùng làm tiền đồng, lưu hành như tiền đồng bằng vàng, bạc,...Hổ phách cũng được vận chuyển ngược theo con đường buôn bán tơ lụa sang ấn Độ, Trung Hoa. Vào thế kỷ VII TCN, ở Hy Lạp cổ đại xuất hiện một loại hình nghệ thuật là chạm khắc đá. Từ các đá như chalcedon, mã não, thạch anh, người ta đẽo gọt thành hình các vị thần, con người, con giống,… Dạng nghệ thuật này phát triển mạnh vào thế kỷ IV TCN, lan sang nhiều nước, và nhiều loại đá khác như emerald, aquamarin, cũng được sử dụng.
(Nhà chức trách cổ vật Israel ngày 23/9 thông báo đã phát hiện một chiếc hòm chứa đầy cổ vật trang sức, trang trí cổ đại có giá trị văn hóa cao tại một cuộc khai quật ở miền Bắc Israel. )
(Nhà chức trách cổ vật Israel ngày 23/9 thông báo đã phát hiện một chiếc hòm chứa đầy cổ vật trang sức, trang trí cổ đại có giá trị văn hóa cao tại một cuộc khai quật ở miền Bắc Israel. )

Vào thời cổ đại, đá được chế tác khá đơn giản, chủ yếu là mài nhẵn. Đến thời kỳ Trung Cổ, việc chế tác có phần phức tạp hơn: đá được mài và đánh bóng qua một vài công đoạn, không chỉ làm các tấm phẳng, mà còn làm các tấm có mặt lồi tựa kiểu mặt khum – cabochon – như ngày nay. Đá được dùng trang trí vũ khí, quần áo, đồ dùng. Đến thế kỷ XIV – XV ở Tây Âu, nghệ thuật và kỹ thuật chế tác đá quý phát triển rất nhanh. Nhiều xưởng mài ngọc đã xuất hiện như ở Breisgay (năm 1327), ở Praha (năm 1350), Ida – Obstein (năm 1385), Pari (năm 1456),...Vào thời kỳ Phục Hưng, nghệ thuật kim hoàn phát triển mạnh mẽ. Các hoạ sĩ đã thiết kế nhiều kiểu dáng đồ trang sức gắn ngọc. ở nhiều nước đã xuất hiện văn phòng khoáng vật. Vào năm 1860, ở Pari, người ta bắt đầu xây dựng kỹ nghệ chế tác kim cương thành những viên ngọc nhiều mặt. Đến thế kỷ XVIII nghệ thuật cắt gọt đá quý đã phát triển ở nhiều nước. ở Châu Âu cũng như Châu á, đá quý thường được dùng để trang trí các vật dụng của vua chúa. ở Trung Quốc, ấn Độ, Mông Cổ…, ngày nay còn lưu giữ nhiều ngai vàng, mũ áo,… giát đầy vàng bạc, châu báu ngọc ngà. ở phần Châu Âu của Nga, do đặc điểm địa chất có nét khác biệt so với phần Đông á, Tây Âu, và Trung Đông, rất nghèo các mỏ đá quý, nên việc dùng đá kém phát triển, trong khi ở Tây Âu, thời đại các đá mài nhẵn đã thay thế vào thời đại đồ đá cũ thì ở Nga vẫn dùng các đồ đẽo gọt từ đá silic, tức là sản phẩm của thời kỳ đồ đá cũ.
 
Số loại đá quý được đưa vào sử dụng cũng tăng dần theo thời gian. Vào thời kỳ đồ đá cũ, ở Tây Âu người ta mới sử dụng 20 loại khoáng vật và 10 loại đá, đến thời kỳ đồ đá mới, số loại đá đưa vào sử dụng đã là 40. Khi nhu cầu sử dụng ngọc tăng lên thì kỹ thuật chế tác đá quý và nghệ thuật kim  hoàn cũng phát triển. Cuối thế kỷ XIX được đánh dấu bởi sự xuất hiện ngọc nhân tạo, đầu tiên là ruby. Vào năm 1902, Verneiul – nhà hoá học người Pháp – đã đưa ra thị trường thế giới những viên ruby tổng hợp đầu tiên. Sau bước đột phá đó, các loại đá quý khác như saphir, spinel với màu sắc phong phú và chất lượng không thua kém đá tự nhiên đã được tổng hợp. Đến nay, rất nhiều loại đá quý đã được tổng hợp trong phòng thí nghiệm. Đá tổng hợp mau chóng tìm được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, sự xuất hiện ồ ạt của đá tổng hợp không những không làm giảm giá trị của đá quý tự nhiên mà trái lại càng làm tăng giá trị của chúng lên nhiều lần. Đá quý chẳng những được dùng trong lĩnh vực mỹ nghệ – kim hoàn mà do các tính chất ưu việt, chúng còn được dùng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, kỹ thuật khác như kim cương dùng làm mũi khoan, làm vật liệu cắt, mài, ruby – trong kỹ thuật laze, thạch anh, turmalin – trong kỹ thuật vô tuyến điện,…

  Ngành Ngọc học sinh ra cùng với sự phát triển của ngành Khoáng vật học. Những mô tả đầu tiên về khoáng vật được tìm thấy trong một cuốn sách được viết từ thế kỷ XX TCN ở Trung Hoa cổ đại. Trong sách Vedas của ấn Độ (viết vào cuối nghìn năm thứ hai – nửa đầu nghìn năm thứ nhất TCN) cũng viết một số chỉ dẫn về nhận biết khoáng vật và quặng. Nhà triết học – tự nhiên học người Hylạp Aristot (năm 384 – 322 TCN) là người  đầu tiên phân loại đá. Sau đó, học trò của ông là Teophrat (năm 372 – 287 TCN) đã viết  tiểu luận “Nói về đá”, trong đó giới thiệu 16 khoáng vật, được chia thành kim loại, đá và đất. Nhà địa lý người La Mã Stabon (năm 64/63 TCN – 23/24 SCN) khi viết về chuyến du hành Ai Cập đã giới thiệu các khoáng vật, mô tả sự khai thác các đá quý như topaz, emerald,... Nhà văn, nhà khoa học người La Mã Plini Starshi (năm 23/24 – 79 SCN), trong công trình bách khoa toàn thư “Lịch sử tự nhiên” dài 37 tập cũng trình bày các khái niệm, các kiến thức đương thời về khoáng vật học trong 5 tập, trong đó đã mô tả kim cương, vàng, thạch anh, beryl, topaz và một số khoáng vật khác, nguồn gốc và công dụng của chúng. Trong cuốn sách này đã thể hiện rõ nhận thức về sự khác nhau của góc giữa các mặt tinh thể thuộc các chất khác nhau, đó cũng là nội dung cơ bản của “định luật bảo toàn góc” được phát biểu sau nhiều thế kỷ. Nhà bác học xuất sắc Biruni (năm 973 – 1050) đã mô tả hơn 50 khoáng vật và quặng, cách gia công, cách xác định giá trị và giới thiệu các loại mỏ chính. Trong cuốn “Nguyên tắc xác định trọng lượng riêng của khoáng vật” ông đã dẫn liệu các giá trị gần với các số liệu ngày nay. Nhà triết học, bác sĩ, địa chất người Iran Avisen (năm 980 – 1037) trong cuốn “Tuyển tập thông tin nhận biết giá trị” đã mô tả tính chất của đá và quặng. Các khoáng vật được chia thành 4 nhóm: 1– Đá và đất, 2– Vật thể khó nóng cháy (kim loại), 3– Chất màu xám (chất cháy), 4– Muối (chất hoà tan). Cách phân loại khoáng vật này đã được sử dụng đến giữa thế kỷ XVIII. Trong cuốn “Sách về đá quý”, Muhamet Nasredin (năm 1201 – 1274) đã mô tả 34 khoáng vật với các đặc tính chi tiết: màu sắc, ánh, độ cứng, tỷ trọng, độ trong suốt, độ dòn. Vào giữa thế kỷ XIII, ở Tây Âu xuất hiện tuyển tập “Lapidary” (Thợ mài ngọc) trong đó mô tả nhiều tính chất của khoáng vật bao gồm cả các đá quý. Vào thời gian này, 279 khoáng vật đã được nhận biết. Tuy nhiên, mức độ khoa học của tuyển tập này còn thấp hơn nhiều so với các công trình của các nhà khoa học Trung á.
 
Vào thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ XV – XVI), với sự phát triển của phương tiện sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhu cầu về nguyên liệu sản xuất cho công nghiệp tăng vượt bậc, kích thích mạnh xu hướng tìm hiểu thiên nhiên, đặc biệt là các khoáng vật và quặng. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển khoa học khoáng vật. Nhiều công trình nghiên cứu khoáng vật ra đời, trong đó có những giả thuyết về nguồn gốc sinh thành khoáng vật, các phương pháp nghiên cứu khoáng vật. Trong giai đoạn này, các công trình nghiên cứu của nhà khoa học người Đức Agricol (năm 1494 – 1555) về “Nguồn gốc khoáng vật”, về “Bản chất khoáng sản có ích”, “Về khai khoáng” có ảnh hưởng lớn đến học thuyết khoáng vật học.
 
Cho đến thế kỷ XVIII, các hiểu biết về tự nhiên vẫn còn ở mức mô tả, tuy đã bước đầu hệ thống hoá các hiện tượng, sự vật, tiêu biểu là các công trình của nhà tự nhiên học người Thuỵ Điển Linnei K. (năm 1707 – 1778) “Hệ thống tự nhiên”, trong lĩnh vực Tinh thể học là “Định luật bảo toàn góc” của nhà khoa học người Đan Mạch Nils Stenon (1636 – 1687), trong lĩnh vực Khoáng vật học là phân loại khoáng vật như các hợp chất hoá học của nhà khoa học người Thuỵ Điển Kronsteid A. (năm 1723 – 1765). Sự phát triển như vũ bão của nền công nghiệp tư bản đã thúc đẩy các tiến bộ của khoa học nói chung, đặc biệt là hoá học và vật lý học, kéo theo sự thay đổi trong cả nội dung lẫn phương pháp nghiên cứu khoáng vật. Đóng góp lớn cho việc hệ thống hoá khoáng vật, chuẩn hoá các thuật ngữ khoáng vật là nhà địa chất người Đức Verner  A. G. (năm 1750 – 1817). Hệ thống phân loại khoáng vật của Verner dựa trên các biểu hiện bên ngoài của khoáng vật, khác với  nguyên tắc hoá học của nhà khoa học người Nga Xevergin B.M. (năm 1765 – 1826).

Đến đầu thế kỷ XIX, Khoáng vật học trở thành một ngành khoa học độc lập và phát triển theo 2 hướng:
Dựa trên cơ sở Tinh thể học, nghiên cứu hình thái tinh thể của khoáng vật.
Dựa trên cơ sở Hoá học, nghiên cứu thành phần hoá học của khoáng vật.

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều phương pháp mới nghiên cứu khoáng vật cho phép tìm hiểu kỹ hơn bản chất khoáng vật và quá trình hình thành chúng. Các phân tích thành phần hoá học khoáng vật, cấu trúc tinh thể khoáng vật bằng phương pháp rơnghen cho phép xác định mối liên hệ giữa thành phần hoá học, tính chất vật lý và cấu trúc bên trong khoáng vật. Nhu cầu thực tế đòi hỏi các đá nhân tạo và trình độ kỹ thuật của xã hội đã đáp ứng, tạo điều kiện ra đời chuyên ngành Khoáng vật học thực nghiệm. Hàng loạt các khoáng vật trong đó có các đá quý được tổng hợp trong các phòng thí nghiệm (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). Cũng vào thời gian này, chuyên ngành Ngọc học tách ra như một khoa học độc lập từ Khoáng vật học.
 
Thuật ngữ Ngọc học – gemmology – được sử dụng đầu tiên vào năm 1892 ở Châu Âu. Từ năm 1910, do nhu cầu xã hội, ở London bắt đầu mở các khoá đào tạo chuyên ngành Ngọc học. Đóng góp lớn cho sự ra đời của chuyên ngành này là các công trình của các nhà nghiên cứu đá quý người Đức như Grot P (năm 1887), Delter H. (năm 1893), Bayer M. (năm 1896), người Mỹ – Kulza J. (năm 1890), người Anh – Smith J. (năm 1912),… Các phòng thí nghiệm  góp nhiều công sức phát triển ngành Ngọc học là Viện Ngọc học Mỹ GIA, thành lập năm 1931 ở Los  Angiơlet, phòng thí nghiệm cơ học ở London (Anh), Viện nghiên cứu đá quý ở Main (Đức), Viện nghiên cứu kim cương ở Iohanecberg (Nam Phi),… Các nhà ngọc học có nhiều công trình nghiên cứu đặt nền móng cho chuyên ngành là Anderson B.W (Anh), Gubelin E.J. (Thuỵ Sĩ), Webster R. (Anh), Shipley R.M. (USA), Liddicoat R. (USA), Sinkankas J. (USA), Schlosmacher (Đức),…
 
ở nước ta khái niệm về ngọc đã có từ lâu. ở nhiều địa phương hiện nay còn lưu giữ những địa danh gắn với ngọc như Núi Ngọc ở Nghệ An, Chợ Ngọc ở Yên Bái. Có thể các địa danh này vào thời gian xa xưa nào đó đã gắn liền với việc khai thác, buôn bán đá quý, vì những nơi đó, ngày nay, đều phát hiện được các mỏ đá quý. Các di tích khảo cổ được phát hiện như đồ trang sức bằng đá ngọc bích trong các hang đá ở Tràng Kênh (Hải Phòng) cho thấy người Việt đã sử dụng đá quý làm đồ trang sức từ rất lâu, vào thời đại đồ đá. Tuy nhiên, việc tìm kiếm, khai thác các mỏ đá quý một cách quy mô, bài bản mới chỉ được thực hiện vào những thập kỷ cuối của thế kỷ trước. Ngành Ngọc học của Việt Nam mới đi những bước đầu tiên.  
Theo Gs.Ts. Ngụy Tuyết Nhung cung cấp



 
Từ 82.000 năm trước, nhu cầu làm đẹp đã hiện diện trong đời sống của con người. Những món trang sức cũng xuất hiện để phục vụ cho nhu cầu đó với muôn ngàn vẻ đẹp sáng tạo.
“Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết cách làm đẹp”. Chắc chắn người xưa cũng có cùng suy nghĩ như chúng ta ngày nay. Chẳng thế mà Cleopatra, nữ hoàng nổi tiếng nhất trong lịch sử Ai Cập, thường xuất hiện với một chiếc mạng kết bằng những chuỗi hạt dài bằng vàng. Nó làm tăng thêm vẻ đẹp huyền bí của bà.
Phụ nữ đã nghĩ đến việc dùng trang sức làm đẹp từ bao giờ? Càng ngày, người ta càng khai quật được những bằng chứng cho thấy tổ tiên của chúng ta đã biết quan tâm đến việc tô điểm, làm đẹp cho mình.

Các nhà khảo cổ của trường Đại học Oxford đã tìm được những cổ vật, trong đó có món mà họ tin là trang sức lâu đời nhất trên thế giới hiện nay. Đó là chuỗi hạt bằng vỏ sò được dự đoán có tuổi đời lên đến 82.000 năm.
Review - Đánh giá
Chọn đánh giá của bạn
Mã xác nhận
    Tư vấn