Bạn nên biết: Ngọc Cẩm Thạch: xuất xứ và ý nghĩa

Trang sức Em và Tôi 2013-12-27 2037 lượt xem

Bạn nên biết: Ngọc Cẩm Thạch: xuất xứ và ý nghĩa

(Lưu ý: Nguồn bài viết này thuộc về Rồng Vàng Lab. Do bài viết gốc đã khá chi tiết và đầy đủ thông tin nên Ngọc Việt Nam chỉ chỉnh sửa lại một số điểm cho rõ ràng và dễ hiểu hơn, đồng thời bổ sung một số hình ảnh trực quan để người đọc dễ hình dung)

Cẩm thạch là gì?

Cẩm thạch là loại đá quý rất được ưa chuộng ở khu vực châu Á, nhiều nhất là Trung Quốc. Dân chúng của xứ sở này đã sử dụng cẩm thạch từ hơn 1000 năm nay, họ dùng chúng làm đồ trang sức hoặc giữ gìn như báu vật. Người dân Việt Nam từ xưa đến nay cũng rất ưa thích ngọc cẩm thạch.

Hình 1: Vòng tay liền ngọc cẩm thạch Jade màu lục táo

Cẩm thạch (Jade) là danh từ chung để chỉ hai loại đá quý riêng biệt, là Jadeite và Nephrite. Cẩm thạch là loại đá quý đa khoáng, nghĩa là Jadeite hoặc Nephrite chỉ là một trong các thành phần tạo đá, tuy nhiên hàm lượng của chúng chiếm đa số nên tên của chúng được dùng để gọi tên đá, như cẩm thạch Jadeite hoặc cẩm thạch Nephrite. Hiện nay trên thị trường quốc tế, Jadeite được ưa chuộng và có giá trị cao hơn Nephrite vì thường có màu sắc đẹp hơn, trong và cứng chắc hơn.

Nguồn Jadeite phổ biến ở Myanmar, Guatemala, Nga, Mỹ. Nguồn Nephrite ở Trung Quốc, Nga, Canada, New Zeland và Mỹ. Đá Jadeite đẹp nhất thế giới là từ Myanmar. Chúng được bán vào Trung Quốc từ cuối thế kỷ 16. Việt Nam chưa tìm được nguồn cẩm thạch đẹp. Toàn bộ cẩm thạch ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu từ Myanmar  vì đây là nơi có trữ lượng cẩm thạch chất lượng lớn nhất thế giới.
Hình 2: Ngọc cẩm thạch Jade thô
Thị trường Việt Nam thường dùng từ chung là cẩm thạch, thông thường khi nói đến ngọc cẩm thạch thì người ta hay nghĩ đó là Jadeite chứ không nghĩ đến Nephrite vì loại này ít được bày bán.
Cẩm thạch được cấu tạo bởi những hạt và sợi cực nhỏ kết dính vào nhau. Chúng có độ cứng thấp hơn nhiều loại đá quý như kim cương, ruby, saphia, topaz, thạch anh. Tuy nhiên nhờ cấu tạo vi sợi và hạt nên chúng có độ dai chắc cao nhất, nhờ tính chất này mà người ta có thể cắt cẩm thạch thành những miếng rất mỏng.

Yếu tố định giá cẩm thạch
Các yếu tố định giá cẩm thạch: Trọng lượng (hoặc kích thước), màu sắc, độ trong suốt, mức độ tạp chất và độ rạn nứt.

Trọng lượng, kích thước: Sản phẩm cẩm thạch càng lớn thì giá trị càng cao. Nếu cẩm thạch đạt chất lượng quý thì các nơi chế tác sẽ cắt thành những lớp mỏng, bề dày lớp đá vừa đủ để ưu tiên mài các vòng đeo tay, phần còn dư sẽ làm các sản phẩm khác để tận dụng hết khối đá.

Màu sắc: Màu có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong định giá cẩm thạch. Màu Jadeite khá đa dạng: Không màu, trắng, xám, lục (xanh lá), vàng, cam, hồng tím, đen… Độ màu từ đậm (mạnh) đến nhạt, hoặc sẫm tối. Màu Jadeite thường phân bố không đều, thành dạng đốm nhỏ hay lớn, đá thường có từ 2 màu trở lên, cho nên loại thuần một màu và phân bố đều thì rất hiếm. Thị trường hay dùng màu của các vật sẵn có để gọi màu đá quý giúp người tiêu dùng dễ hình dung như màu lục emerald, lục táo, lục đậu, màu dầu, màu môn…
Hình 3: Màu của ngọc cẩm thạch Jade rất đa dạng
Hình 3: Màu của ngọc cẩm thạch Jade rất đa dạng

Màu Jadeite được ưa chuộng hiện nay là màu lục, thị trường Việt Nam gọi là màu lý, màu lục càng nhạt thì càng giảm giá trị. Có giá trị cao nhất là màu lục emerald (giống màu của đá emerald), đó là màu lục mạnh và tươi. Jadeite màu này và có độ trong suốt cao thì gọi là Jade hoàng tộc, là loại Jadeite có giá trị cao nhất và cực kỳ hiếm. Các màu lục khác sẽ nhạt hơn, nhưng dễ tìm hơn, đó là màu lục táo, lục đậu giống màu vỏ trái táo và vỏ đậu …
Hình 4: Độ trong của ngọc cẩm thạch rất khác nhau. Ngọc càng trong giá trị càng cao

Độ trong suốt và kiến trúc đá: Yếu tố này cùng với màu quyết định vẻ đẹp của cẩm thạch. Thông thường cẩm thạch không bao giờ trong suốt bằng các đá quý đơn khoáng khác như kim cương, ruby. Vì đá cấu tạo bởi vi hạt, vi sợi nên cẩm thạch hầu hết là chắn sáng (không cho ánh sáng đi qua đá), một số thì trong mờ và cao nhất là bán trong (nửa trong suốt), nhưng loại này thì rất hiếm.
Kích thước và tính đồng đều của các vi hạt ảnh hưởng đến độ trong suốt. Nhiều đá có hạt vừa và thô làm đá dễ bị đục, ngược lại các hạt cực nhỏ và đồng nhất thì đá sẽ trong hơn. Trên thị trường, cẩm thạch có độ trong cao thì gọi là cẩm thạch kính. Về mặt giá trị, cẩm thạch càng trong thì giá trị càng cao.

Tạp chất: Tạp chất trong đá cẩm thạch là hàm lượng các vật chất không phải là các khoáng của đá cẩm thạch (Jadeite hoặc Nephrite). Đặc điểm này không thể xác định bằng mắt thường, tuy nhiên chúng ta có thể cảm nhận qua độ trong, màu sắc của đá. Cẩm thạch càng thuần chất (hàm lượng khoáng Jadeite hoặc Nephrite trong đá cao) thì đá sẽ trong hơn, màu sẽ đều hơn. Một số tạp chất có màu nâu, xám và đen làm giảm vẻ đẹp của đá và dĩ nhiên làm giảm giá trị của chúng. Để xác định đá có phải là cẩm thạch hay không, là Jadeite hay Nephrite thì có thể dùng các phương pháp đo tỷ trọng và phương pháp phổ hấp thu.

Hình 5: Đá cẩm thạch là đá đa khoáng, có nhiều tạp chất nên hầu hết không đều màu

Độ rạn nứt: Bao gồm các vi lỗ rỗng và khe nứt. Ranh giới các vi hạt và sợi trong cẩm thạch tạo nên các vi lỗ rỗng. Các khe nứt được tạo ra do các lực nén ép tự nhiên sau khi đá hình thành. Quá trình chế tác hoặc va chạm khi đeo cũng có thể tạo nên những khe nứt nhỏ hay lớn. Các khe nứt do quá trình tự nhiên thường có vật chất lấp đầy, đây là một dạng tạp chất thường có màu sắc khác hẵn đá gốc làm đá không đều màu. Các vi lỗ rỗng ít ảnh hưởng đến độ bền của đá, nhưng các rạn nứt thì có thể ảnh hưởng. Đá cẩm thạch rất dai chắc, khó bị mẻ, bể, nhưng nếu đá có những khe nứt lớn thì khi va chạm mạnh, đá sẽ bị tách và bể theo những khe nứt này (các vòng đeo tay là dễ bị va chạm nhất). Tuy nhiên khi chế tác, chất keo hay sáp phủ lên che lấp tất cả các vi khe nứt, người mua không thể nhìn thấy chúng dù xem với lúp tay phóng đại 10 lần. Với các thiết bị chuyên dùng tại các phòng giám định đá quý, các chuyên viên có thể xác định được các vi khe nứt và mức độ ảnh hưởng xấu của chúng đối với sản phẩm cẩm thạch.

Xử lý cẩm thạch
Ngày nay người ta thường xử lý đá cẩm thạch để tạo cho chúng dáng vẻ đẹp hơn, bền hơn và dễ bán hơn. Theo giám định của các trung tâm giám định ngọc học, ngọc cẩm thạch thường được đánh giá chất lượng là 
- Ngọc cẩm thạch thiên nhiên ( chưa bị xử lý ) 
- Ngọc cẩm thạch thiên nhiên đã xử lý chất lượng
- Ngọc cẩm thạch thiên nhiên đã xử lý độ trong 
- Ngọc cẩm thạch thiên nhiên đã xử lý tăng cường màu
- Ngọc cẩm thạch thiên nhiên đa xử lý ngâm tẩm  polyme
Hình 6: Ngọc jadeit đã xử lý bằng phương pháp ngâm tẩm polyme

Sau khi tẩy rửa các tạp chất màu tối dính trên bề mặt, người ta phủ keo (polyme) lên bề mặt và lấp vào trong các vi lỗ rỗng, khe nứt của cẩm thạch. Đây là phương pháp thông dụng giúp cho đá bền hơn và tăng độ bóng và bảo vệ bề mặt. Hầu hết các đá cẩm thạch trên thị trường đều phủ một lớp keo cực mỏng và mọi người đều chấp nhận sự xử lý này.

Xử lý tẩm màu là phủ một màu nhân tạo lên bề mặt đá cẩm thạch, phương pháp này chỉ sử dụng cho các đá màu xấu hay màu nhợt nhạt, làm cho chúng có màu đẹp hơn và dễ bán hơn. Màu tẩm thường là màu lục, đôi khi màu tím nhạt hoặc cam nhạt… Diện tích tẩm màu cũng thay đổi: tẩm toàn bộ bề mặt viên đá, tẩm một phần, tẩm theo dạng đốm.



Giá trị của cẩm thạch

Hình 7: Đôi bông tai này làm từ đá cẩm thạch màu lục emerald đẹp xuất xứ Myanmar và các viên kim cương
Nó được bán với giá 1,55 triệu đô Mỹ tại phiên đấu giá của Christie tại Hong Kong năm 1997. Hình của Christie Hong Kong và Tino Hammid.

Đá quý không phải là một sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt và giá trị như nhau. Do đó việc định giá trị của mỗi loại đá quý phải theo những tiêu chuẩn riêng biệt và phải do các chuyên gia ngọc học thực hiện. Để có một chất lượng cực cao thì cẩm thạch phải đạt mọi yếu tố nêu trên ở mức tốt nhất, điều này hết sức khó. Jadeite hoàng tộc là loại cẩm thạch quý cực hiếm vì có màu lục emerald và độ trong rất cao nên đẹp vô cùng. Hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn viên cẩm thạch mới có được một vài viên cực đẹp, do đó giá trị của chúng sẽ cực kỳ cao.


Hình 8: Chiếc vòng Jadeite của Trung Quốc (đá gốc Myanmar) có đường kính lòng 49,50 mm, dày 8,36 mm, màu lục emerald, có độ trong rất cao, vừa có tuổi rất cổ nên đã được bán với giá cực cao là 2.576.600 đô Mỹ tại phiên đấu giá do Christie tổ chức tại Hong Kong

Độ chênh lệch về giá trị của cẩm thạch cùng kích thước nhưng khác những tiêu chuẩn khác thì rất lớn. Những đá cẩm thạch quý hiếm sẽ khó xuất hiện ở thị trường phổ thông vì chúng hầu hết được đem bán đấu giá, lúc đó ta mới thấy được giá trị tối đa của chúng. Một vài viên đá, vòng đeo tay hay nữ trang gắn đá Jadeite cực đẹp, cực hiếm đó sẽ có giá lớn hơn 100 ngàn đô Mỹ khi được bán đấu giá, với giá như thế thì khó mà nghĩ đến.



Mua bán cẩm thạch ở Việt Nam
Thị trường Việt Nam, hầu hết là cẩm thạch Jadeite có chất lượng thấp đến trung bình, một số là khá. Phần lớn chúng được nhập về từ Hong Kong. Cẩm thạch được nhập là dạng đã chế tác thành phẩm hoặc tấm dẹp lớn để được cắt mài trong nước. Dạng đá được bán nhiều ở Việt Nam là vòng đeo tay, đồng điếu, khoen, hạt cabochon, hạt dạng tấm dẹp hay cong, mề đay chạm trỗ. Giá cả tùy theo chất lượng, có thể từ vài trăm ngàn đồng đến khoảng mười triệu đồng một món, đa số là vài triệu đồng, một số ít hàng đẹp lên vài chục triệu đến hơn trăm triệu, tuy nhiên loại này rất ít nhu cầu.

Dáng vẻ của đá như hình dạng, màu sắc, phân bố màu, độ trong, độ bóng thì mọi người ai cũng có thể nhận thức được. Tuy nhiên, người không kinh nghiệm thì không thể nào biết được có phải là Jadeite hay không. Còn việc xác định có phải tẩm keo, tẩm màu, có bị nứt hay chất lượng đá có tốt hay không thì còn khó khăn hơn nữa. Nếu chỉ nhìn hoặc dùng những phương pháp kiểm tra dân gian thì không thể xác định chính xác được, do đó để xác định được các yếu tố này thì phải dùng những thiết bị giám định ngọc học.

Thông thường các giấy giám định đá màu chỉ nêu các đặc điểm nhận diện viên đá (như màu sắc, hình dạng cắt mài, kích thước, độ trong…) và tên đá mà không có đánh giá chất lượng. Ngay từ đầu, các nhà phân phối gốc đã định giá tương đối các đá quý họ bán ra. Khi thâm nhập thị trường bán lẻ, việc đánh giá đá quý là do những người tham gia trao đổi, mua bán chúng, họ dựa vào các thông tin về đặc điểm của sản phẩm ghi trong giấy giám định.

Hầu hết nhũng ai đi mua đá quý hay nữ trang thì đều có mục đích tốt đẹp, cho nên không được để những lo âu về chất lượng sản phẩm làm cản trở việc thực hiện mục đích ấy. Trước hết, nên đến nơi bán nào mà ta thường mua hoặc tin cậy được. Tại đây ta yêu cầu cho xem những món hàng vừa túi tiền của mình để dễ lựa chọn. Với đá quý, cẩm thạch hoặc nữ trang, đầu tiên ta cầm lên ngắm nghía một chút, lắc qua lắc lại để xem hình dạng, màu sắc, độ bóng và lấp lánh của sản phẩm. Quan trọng nhất là ta có hài lòng với vẻ đẹp của sản phẩm ấy không vì thị hiếu và nhu cầu mua sắm mỗi người một khác. Có thể ta xem một vài sản phẩm khác để so sánh rồi chọn cái ưng ý nhất. Sau khi chọn mua sản phẩm, ta yêu cầu nơi bán ghi bảo đảm về tên gọi, chi tiết và chất lượng món hàng. Với đá quý giá trị cao yêu cầu nơi bán nên có một giấy chứng nhận của cơ quan chuyên về giám định cho viên đá ấy. Và cuối cùng là ta yêu cầu nơi bán thông báo chế độ hậu mãi, thông thường chế độ này được ghi trong hóa đơn hay một giấy cam kết riêng. Nếu chúng ta làm như thế thì chẳng gì phải lo âu cả, mà ngược lại, ta sẽ hết sức vui sướng và hạnh phúc vì đã mua được một viên đá quý, một món nữ trang gắn đá hết sức vừa ý cho mục đích cao đẹp nào đó.

Bảo quản ngọc cẩm thạch
Điều cần quan tâm nữa là cách bảo quản cẩm thạch. Khái niệm dân gian “đeo lâu ngày cẩm thạch lên nước” có thể hiểu với ý nghĩa sau: mồ hôi và sự cọ sát vào da người lâu ngày và thường xuyên có thể tác động một chút lên bề mặt đá, có thể là hơi bóng hơn hoặc hơi bị thay đổi màu, tuy nhiên không thể làm cẩm thạch tăng màu lục được. Đá cẩm thạch tự nhiên là đá đa khoáng nên có nhiều vi lỗ rỗng và khe nứt, nếu tiếp xúc nhiệt độ quá cao như nhiệt của đèn khò của thợ kim hoàn có thể làm cho đá bị nứt lớn và nóng chảy. Khi phải sửa chữa nữ trang cẩm thạch thì nhắc thợ không được khò lửa vào đá. Ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng mạnh không làm phai màu đá cẩm thạch tự nhiên. Với acid mạnh, cẩm thạch có thể bị hủy hoại nhẹ. Đá cẩm thạch rất dai chắc, khó bị nứt bể khi va cham nhẹ, tuy nhiên nếu bị va đập mạnh vẫn có thể làm đá bị nứt và bể. Hầu hết cẩm thạch thường được phủ keo bảo vệ đá, tuy nhiên lớp keo lại có thể bị biến màu, bị bong ra do tiếp xúc hóa chất tẩy rửa, do va chạm mạnh. Khi cẩm thạch phủ keo bị dơ, không nên rửa bằng máy siêu âm và máy xịt hơi nước nóng vì dễ làm bong lớp keo. Trường hợp bị bong keo thì nên nhờ các thợ chế tác cẩm thạch đánh bóng lại. Còn nếu đá bị tẩm màu (màu nhân tạo) thì chắc chắn là đá sẽ bị nhạt màu dần khi đeo, tuy nhiên lâu hay mau tùy thuộc vào chất lượng màu dùng để tẩm; màu tẩm xấu chỉ cần 1 tháng là phai, màu tẩm tốt có thể lâu hơn nhiều nhưng vẫn khó phai hết được. Khi đá cẩm thạch hoặc món nữ trang cẩm thạch bị dơ, tránh dùng những chất tẩy rửa mạnh, tốt nhất thì ta nên ngâm sản phẩm với nước ấm xà phòng và dùng bằng bàn chải đánh răng chà nhẹ vào các kẻ, sau đó dùng vải mềm lau khô, có thể sấy khô bằng máy sấy tóc nhưng không để quá gần sản phẩm và không nên sấy lâu.

Nếu hiểu được các kiến thức phổ thông về cẩm thạch trên, chắc là khách hàng sẽ rất an tâm và vui sướng khi mua và đeo các sản phẩm cẩm thạch.

Nguồn:  tổng hợp từ internet

Review - Đánh giá
Chọn đánh giá của bạn
Mã xác nhận
    Tư vấn